Thật là tuyệt vời phải không cha.!.
Thời gian: 07/07/2014 22:31:42Tôi yêu gia đình tôi, một gia đình bình thường như bao gia đình khác, có sóng gió và có cả những lúc tình thương được thăng hoa. Cha với Mẹ là hai người khổng lồ trong gia đình, là điểm tựa cho năm chị em chúng tôi vững tâm chống chọi với cuộc sống. Nhưng, Cha Mẹ không phải là những người may mắn khi lũ con đến với họ một cách muộn màng, điều đó có nghĩa là khi tôi kịp lớp thì sức khỏe Cha Mẹ đã giảm sút đi nhiều...
Ngày tôi còn bé xíu, tôi và anh trai luôn cho rằng Cha và Bác Hồ là những người đầu tiên của quảđất này. Bác sinh năm 1 và Cha sinh năm 2. Lên lớp Một, anh tôi giảng cho tôi tất cả về "sự thật", đó hoàn toàn chỉ là sự vỡ lẽ chứ không phải sự sụp đổ của một bức tường hay ý niệm lớn lao xa xôi nào cả. Giờ Cha đã ngoài sáu mươi.
Với tuổi thơ tôi, Cha là người hoàn hảo nhất không ai sánh bằng. Mẹ bồi đắp vào tâm hồn đang lớn của mấy chị em những đẹp nhất về Cha. Ngày xưa Mẹ là cô gái xinh đẹp đảm đang có tiếng trong làng, trong xã, Cha là người cục tính, ít nói nhưng làm thơ viết văn rất hay... Cha Mẹ nên duyên, Cha là người thợ xây chính trong ngôi nhà hạnh phúc ấy. "Cha tụi bay là người khéo tay, hay làm, không có gì là không làm được như ông ngoại tụi bay đó"- Mẹ thường nói vậy mỗi khi kể chuyện cho chúng tôi nghe.
Hồi nhỏ tôi ngủ với Cha, tôi thích cảm giác ấm ấm, khoan khoái khi được Cha ôm vào lòng, thủ thỉ đủ chuyện - những câu chuyện thấm vào máu người chiến sĩ năm xưa. Tôi còn thích được dúi chân mình vào để được đôi chân nhăn nheo ngấm mưa ngấm gió, để tìm sự nương nhờ hơi ấm. Đôi chân ấy đã cùng Cha đi khắp Trường Sơn, theo từng đợt hành quân, dẫm từng mảng chất độc "người Mĩ". Khi Cha trở về với Mẹ, nó mang theo cả vết thương đau đớn cho đôi vợ chồng trẻ ngày nào.
Cha hay uống rượu, còn hút thuốc nữa. Khi còn nhỏ mỗi lúc say ông thường kể chuyện cho tôi nghe, thằng bé khờ khạo cứ lấy đó làm thích thú, anh trai tôi thì khác, anh bỏ đi "Cha say rồi". Dường như rượu và tôi là hai người bạn giúp Cha giải tỏa những bức xúc của ngày xưa, những suy nghĩ viển vông, những nỗi buồn nhân thế...
Một ngày, đôi chân của "Người khổng lồ" lại đau thêm lần nữa. Khi đó tôi mới học hết lớp 10, anh trai chuẩn bị bước vào kì thi Đại học gay go... Một tai nạn giáng xuống mang theo nỗi đau kinh khủng, giằng xé chân Cha không thương tiếc, xé luôn cả cái đàm ấm hạnh phúc mà cả gia đình vun đắp bấy lâu.
Cha trở nên khó tính, chứng nghiện rượu nặng hơn bao giờ hết, ông hay chửi Mẹ, chửi chị mỗi khi chị khuyên cha đừng uống rượu, hút thuốc... "Mày tưởng học bác sĩ là muốn nói gì thì nói, không học được thì bỏ đi!"
Chị khóc. Mẹ cũng khóc rất nhiều, còn tôi giận ông đến tận xương tủy, đó là khi mọi cách nhìn đẹp đẽ nhất về Cha gần như tan biến. Ông vẫn kể chuyện trong cơn say nhưng dường như tôi không còn hứng thú nữa, tâm trí tôi đầy ắp những thứ viển vông. Nhưng sóng gió mấy rồi cũng qua, thành tích học tập của mấy chị em tôi cùng với lời động viên của họ hàng làng xóm đã làm Cha thay đổi. Cha vẫn uống rượu, nhưng mỗi ngày chỉ hai ba chén, Cha vẫn hút thuốc lá, nhưng rất ít và luôn cố không để chúng tôi biết. Đương nhiên lũ con của ông không vui, nhưng như thế còn hơn, chúng thừa hiểu một điều rằng Cha đã già yếu nên chúng chỉ mong ông được làm những gì ông muốn mà thôi..
Nhưng cha ơi, cha có biết bọn con thương cha nhiều lắm không? Sáu mươi năm mà vẫn chưa được hưởng cảm giác của sự sung túc, hơn nửa đời sống chung với đủ thứ bệnh tật trong khi vẫn ngày ngày cày cuốc dưới trời miền Trung khắc nghiệt kia. Mẹ khổ, cha khổ để hi vọng mang cho chúng con những gì sáng nhất trong tương lai, chúng con hiểu. Chúng con chỉ mong cha mẹ được sống thật lâu, thật khỏe, để có thể thấy con của mình thành công đến mức nào!! Con muốn cha cùng mẹ sống trong ngôi nhà khang trang hơn, đẹp hơn, con thừa hiểu việc này đang trở nên gấp rút hơn bao giờ hết.
Giờ đây bọn con đứa nào cũng lớn cả cha à. Một ngày không xa sẽ là những con người thành đạt. Rồi mẹ sẽ tự hào với cả làng về bọn con. Và cha, trong men say ngà ngà sẽ kể chuyện cho lũ cháu về ba mẹ chúng nó. Thật là tuyệt vời phải không cha!
(Trần Thị Như Thảo - Đại học Nông Lâm Huế)